AN VUI ⦁ 23/03/2018
Hàng loạt rào cản trong lĩnh vực kinh doanh vận tải hành khách và hàng hóa bằng đường bộ sẽ được gỡ bỏ hoặc nới lỏng nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho các đơn vị, doanh nghiệp gia nhập thị trường.
Bỏ tích tụ phương tiện vận tải
Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vừa trình Chính phủ Dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (Dự thảo).
Dự thảo liên quan sát sườn tới 24.580 doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh vận tải ô tô này đã được cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ sau khi đã lấy ý kiến rộng rãi của các đơn vị liên quan (tháng 7/2016); các bộ, ngành (tháng 4/2017). Đây cũng là lần chỉnh sửa nghị định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải thứ 3, kể từ khi Luật Giao thông đường bộ năm 2008 có hiệu lực.
Trong số 6 thay đổi so với Nghị định số 86 cần xin ý kiến của các thành viên Chính phủ, đáng chú ý là quy định liên quan đến quy định số lượng xe tối thiểu của đơn vị kinh doanh vận tải.
Cụ thể, trong Dự thảo, Bộ GTVT đề xuất bỏ khoản 4, Điều 15, Nghị định số 86 về điều kiện kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định. Theo điều khoản này, doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định từ 300 km trở lên phải có từ 20 xe trở lên đối với đơn vị có trụ sở đặt tại các thành phố trực thuộc Trung ương, từ 10 xe trở lên đối với đơn vị có trụ sở đặt tại các địa phương còn lại và từ 5 xe trở lên đối với đơn vị có trụ sở đặt tại huyện nghèo theo quy định của Chính phủ.
Được biết, mong muốn của các cơ quan quản lý nhà nước khi xây dựng điều khoản này tại Nghị định số 86 là tạo áp lực để các doanh nghiệp vận tải tích tụ đủ lớn về số lượng, từ đó làm chuyển biến chất lượng dịch vụ.
Trong số 6 thay đổi so với Nghị định số 86, đáng chú ý là quy định liên quan đến số lượng xe tối thiểu của đơn vị kinh doanh vận tải.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, tính đến nay, dù đã có một số đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện liên kết, các hộ kinh doanh gia nhập hợp tác xã hoặc liên kết để thành lập doanh nghiệp, nhưng số lượng các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn cả nước có quy mô nhỏ vẫn chiếm tỷ trọng lớn.
Theo thống kê, trong tổng số đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn cả nước, số đơn vị kinh doanh vận tải có quy mô nhỏ hơn 5 xe là 17.799/24.580 đơn vị, chiếm 72,4% tổng số đơn vị kinh doanh vận tải. Như vậy, nếu thực hiện đúng quy định tại Nghị định 86/2014/NĐ-CP thì hầu hết các đơn vị này sẽ “đứng hình” do không đáp ứng được quy định về quy mô.
“Việc nghiên cứu bỏ quy định này nhằm tạo điều kiện, khuyến khích phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ, phù hợp theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ về việc tạo thuận lợi cho doanh nghiệp”, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết.
Chấp nhận hợp đồng điện tử
Với việc chấp nhận các đơn vị kinh doanh vận tải có quy mô siêu nhỏ, Bộ GTVT cũng đề xuất bỏ luôn khoản 4, Điều 13; khoản 1, Điều 18; Điều 19 và điểm c, khoản 1, Điều 21 của Nghị định số 86. Những điều khoản này quy định về trình độ chuyên môn người điều hành vận tải và điều kiện kinh doanh vận tải hàng hóa, làm hạn chế đối tượng tham gia nghề này.
Một điểm bổ sung rất đáng chú ý khác tại Dự thảo Nghị định là Bộ GTVT đã công nhận hợp đồng vận tải điện tử là hợp pháp, bên cạnh loại hợp đồng giấy trong quy định về loại hình kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa theo hợp đồng.
Cụ thể, Dự thảo Nghị định quy định hợp đồng vận tải điện tử là việc ứng dụng phần mềm trên nền tảng website hoặc ứng dụng di động, ứng dụng mở khác để thực hiện việc kết nối cung cấp dịch vụ vận chuyển giữa doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải có giấy phép kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, du lịch, taxi và kinh doanh vận tải hàng hóa với người thuê vận tải.
Theo đề xuất của Bộ GTVT, các đơn vị cung cấp ứng dụng kết nối hợp đồng vận tải điện tử để được coi là hoạt động hợp pháp phải thỏa mãn 10 điều kiện, trong đó, đáng chú ý là việc không được cung cấp dịch vụ kết nối hợp đồng vận tải điện tử cho hộ kinh doanh vận tải, phương tiện cá nhân và các phương tiện không kinh doanh vận tải. Các đơn vị này cũng phải có biểu trưng (logo) của đơn vị mình và cung cấp cho doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải để niêm yết theo quy định (kích thước tối thiểu của logo là 90 mm x 80 mm).
Đối với các đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện hợp đồng vận tải điện tử, có tới 11 điều kiện gia nhập thị trường. Ngoài việc phải cung cấp đầy đủ và chính xác các thông tin tối thiểu của chuyến đi, các đơn vị kinh doanh vận tải theo hợp đồng vận tải phải gửi hóa đơn điện tử của chuyến đi đến tài khoản giao kết hợp đồng của hành khách và gửi thông tin về hóa đơn điện tử về Tổng cục Thuế theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Cũng tại Dự thảo Nghị định, Bộ GTVT đề xuất bỏ quy định niên hạn của xe taxi không quá 8 năm đối với đô thị loại đặc biệt, 12 năm đối với địa phương khác tại Nghị định số 86, thống nhất niên hạn của xe taxi không quá 12 năm trên toàn quốc. “Quy định này nhằm bảo đảm bình đẳng của người dân trong việc thụ hưởng chất lượng dịch vụ xe taxi ở tất cả các địa phương, không phân biệt thành phố hay nông thôn”, ông Trần Bảo Ngọc giải thích.
Bài viết liên quan
Đồng hành cùng chúng tôi trong hành trình chuyển đổi số doanh nghiệp của bạn