Những vấn đề quan trọng tác động đến quá trình chuyển đổi số của Doanh Nghiệp

Ngày đăng: 18/11/2020

Chuyển đổi số không còn là một lựa chọn cho các doanh nghiệp ngày nay nữa. Đó là một yêu cầu. Nhằm thích ứng và đón đầu những nhu cầu không ngừng tăng lên về dữ liệu, trải nghiệm và kênh kỹ thuật số, các doanh nghiệp đang phải xây dựng và áp dụng những ứng dụng phần mềm mới, với tốc độ nhanh hơn bao giờ hết.

 

Tuy nhiên, dù nhận được đầu tư hàng nghìn tỷ đô la từ các doanh nghiệp và chính phủ, hơn một nửa số phần mềm hoặc dự án công nghệ thông tin (CNTT) mới vẫn thất bại. Theo một nghiên cứu của Forbes Insights , 75% giám đốc điều hành nói rằng họ vẫn đang chờ đợi để thu được những lợi ích hữu hình từ công nghệ đột phá. Thật vậy, chỉ riêng công nghệ không giải quyết được bài toán chuyển đổi số. Để thực sự chuyển đổi, các tổ chức còn phải nắm lấy những yếu tố về con người.

 

Vậy những yếu tố đó là gì và doanh nghiệp làm thế nào để tận dụng chúng một cách hiệu quả? Bài viết này sẽ chỉ rõ 6 yếu tố liên quan đến con người mà doanh nghiệp nên quan tâm để chuyển đổi số thành công.


 

Không còn là xu thế hay trào lưu mà Chuyển đổi số đã trở thành một lựa chọn sống còn cho doanh nghiệp trong cạnh tranh

1. Thay đổi văn hoá doanh nghiệp


 

Một trong những thách thức lớn nhất đối với các công ty khi bắt tay vào chuyển đổi số là thay đổi văn hóa doanh nghiệp. Muốn chuyển đổi số thành công, doanh nghiệp cần sự tham gia của tất cả mọi người. Do đó, mỗi thành viên trong công ty cần kết nối với sự thay đổi và cảm thấy họ có thể tạo ra ảnh hưởng, hoặc ít nhất là biết công việc của họ vẫn “an toàn” khi chuyển đổi số. Ngoài ra, để đạt được tốc độ thay đổi và đổi mới, các doanh nghiệp cần trao quyền quyết định cho tất cả mọi người, không chỉ một số ít được lựa chọn.

Nền văn hóa cởi mở có thể là một giải pháp hữu ích cho việc chuyển đổi số. Trong một nền văn hóa cởi mở, các nhà lãnh đạo số xây dựng tổ chức của họ giống như một cộng đồng, nơi tất cả mọi người đều đóng góp cho điều gì đó lớn hơn chính họ. Bất kỳ ai cũng có thể tham gia, lãnh đạo và đề xuất thay đổi hoặc cải tiến. Phương pháp này giúp những ý tưởng tốt nhất chiến thắng, bất kể chúng đến từ đâu. Mỗi nhân viên cảm thấy mình là một phần của quá trình và nỗ lực làm việc hướng tới mục tiêu chung.

 

2. Xác định tầm nhìn rõ ràng với các thước đo thành công


 

Để chuyển đổi số thành công, tất cả mọi người trong tổ chức cần hiểu và thống nhất về mục tiêu chung. Tầm nhìn không chỉ là lời nói mà nó còn thúc đẩy các quyết định của mọi đội nhóm và nhân viên. Nếu không có tầm nhìn rõ ràng, các doanh nghiệp không thể tạo ra một chiến lược khả thi.

 

Trước hết, doanh nghiệp cần xác định một tầm nhìn rõ ràng trong vài năm tới:

  • Mục tiêu: Họ đang hướng đến đâu?
  • Thời gian: Khi nào họ muốn đạt được đích đến đó?
  • Hành động: Họ muốn làm nó như thế nào?

Sau đó, tầm nhìn này cần được phổ biến cho toàn bộ công ty biết và hiểu. Các mục tiêu và hành động rõ ràng trong ngắn hạn cũng cần được thiết lập để nhân viên từng bước hiện thực hoá tầm nhìn đó. Cuối cùng, quan trọng nhất, doanh nghiệp phải xây dựng một hệ thống đo lường và kiểm tra thường xuyên để theo dõi tiến độ đạt được tầm nhìn và hiệu quả của các chiến lược.

 

Đối với Doanh nghiệp vận tải thì nhu cầu cấp thiết chuyển đổi số lại càng cao hơn

3. Kết nối các nhóm và quy trình liên tổ chức


 

Chuyển đổi số đòi hỏi các dữ liệu, thông tin, ứng dụng và quy trình được trao đổi liền mạch trong một tổ chức. Do đó, tất cả các bên liên quan cần hợp tác chặt chẽ với nhau. Nếu không có nền văn hóa cởi mở và sự đồng thuận về mục tiêu chung trong toàn tổ chức, doanh nghiệp sẽ khó có thể chuyển đổi số thành công.

 

Vi dụ, việc áp dụng quy trình DevOps là một cách tuyệt vời để kết nối giữa Dev (tất cả các nhà phát triển phần mềm) và Ops (bao gồm các kỹ sư hệ thống, quản trị hệ thống, kỹ sư mạng, chuyên gia bảo mật,...). Nhờ đó, họ có thể cùng nhau giải quyết các vấn đề phát sinh một cách hiệu quả, cũng như giảm thiểu rủi ro liên quan đến quy trình xây dựng, triển khai, kiểm tra và cải tiến.


 

4. Phát triển con người


 

Các nhà lãnh đạo CNTT và doanh nghiệp trên toàn thế giới phải đối mặt với một thách thức chung: thiếu hụt kỹ năng. Điều này bao gồm cả các kỹ năng mềm (như giao tiếp hoặc quản lý), và các kỹ năng cứng (như năng lực kỹ thuật).


 

Theo khảo sát của Red Hat về Nghiên cứu Xu hướng & Ưu tiên CNTT Toàn cầu, yếu tố cản trở lớn nhất đối với nỗ lực chuyển đổi số của một tổ chức là con người. Cụ thể hơn, cuộc khảo sát cho thấy khoảng cách kỹ năng CNTT đang ngăn cản nỗ lực đạt được thành công của các tổ chức. Một phần nguyên nhân là do công nghệ và các quy trình kỹ thuật số đang thay đổi quá nhanh, do đó tạo ra khoảng cách về kỹ năng CNTT giữa các tổ chức thuộc nhiều ngành công nghiệp và trên toàn thế giới.

 

Thay vì hy vọng thuê được những người có sẵn kỹ năng và tài năng cần thiết, các tổ chức nên phát triển năng lực của những nhân viên hiện tại. Doanh nghiệp nên đầu tư vào những nhân viên trung thành, những người phù hợp với văn hóa và tin tưởng vào tầm nhìn của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, lãnh đạo cũng nên sẵn sàng ủng hộ những nhân viên có những ý tưởng mới và táo bạo.


 

5. Tập trung vào trải nghiệm người dùng

Theo CareerFoundry (công ty quản lý một trường thiết kế Web UX), cái giá phải trả cho trải nghiệm người dùng tồi thực sự rất cao. Nghiên cứu của họ ước tính trải nghiệm người dùng tồi khiến các công ty thương mại điện tử thiệt hại 1,4 nghìn tỷ USD doanh thu.


 

Vì vậy, trải nghiệm người dùng sẽ là ưu tiên hàng đầu khi nói đến kết nối con người trong quá trình chuyển đổi số. Doanh nghiệp nên đặt mình vào vị trí người dùng để hỏi: Họ đang cố gắng làm gì? Giải pháp của tôi có thể giải quyết nỗi đau họ đang gặp phải không? Nếu có, thì như thế nào? Bằng cách bắt đầu với người dùng, các dự án của doanh nghiệp sẽ mang lại cảm giác gần gũi và thân thuộc hơn. Người dùng sẽ cảm thấy họ đang giao tiếp với một con người hơn là một thứ kỹ thuật số.


 

6. Kết nối cá nhân

Một trong những mặt trái của kỷ nguyên số là chúng ta không có đủ thời gian để gặp mặt nhau. Chúng ta tin rằng các hội nghị truyền hình mang lại những lợi ích tương tự như các cuộc họp trực tiếp. Chúng ta đặt niềm tin vào những cái bắt tay kỹ thuật số thay vì làm thật. Tuy nhiên, để thành công trong quá trình chuyển đổi số toàn công ty, bạn không thể chỉ dựa vào truyền thông kỹ thuật số.


 

Một lý do quan trọng để dành thời gian gặp mặt nhau là xây dựng lòng tin. Là con người, chúng ta cần nhìn thấy ai đó, nhìn thẳng vào mắt họ, bắt tay họ, và đáp lại tín hiệu của họ. Tất cả những điều này giúp chúng ta có niềm tin hơn về đối phương. Trong doanh nghiệp, ban lãnh đạo cần giao tiếp nhiều hơn với nhân viên, khách hàng, đối tác và người dùng, những người đang thực hiện công việc cho họ cũng như những khách hàng mua sản phẩm hoặc dịch vụ của họ.

 

Lời kết


 

Chuyển đổi số không chỉ nằm ở những công nghệ doanh nghiệp sử dụng để chuyển đổi mà còn là cách thức và lý do tại sao họ chuyển đổi. Tuy công nghệ là cần thiết cho quá trình thay đổi này nhưng để thành công, công nghệ cần kết nối với con người. Nói cách khác, con người là yếu tố quyết định đến việc chuyển đổi số có thực sự thành công hay không.